🤔2.1 Góc bạn bè
XÂY DỰNG VÀ DUY TRÌ TÌNH BẠN
Có lúc nào đó, bạn tự hỏi: “Liệu bạn bè thời đại học sẽ như thế nào? Có khác biệt nhiều so với những tình bạn trước đây?”. Tất nhiên là tình bạn ở thời điểm nào cũng cần thiết và đẹp theo cách riêng. Và ở độ tuổi 18+, tình bạn đa dạng hơn rất nhiều. Đó có thể là bạn cùng lớp, bạn cùng khoa, bạn cùng nhà trọ - phòng trọ, bạn cùng ký túc xá, bạn cùng chỗ làm thêm… Nếu lúc trước, bạn bè thường giới hạn trong khoảng phạm vi nhỏ thì nay có thể mở rộng với người ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam… Lúc này, để có được tình bạn đẹp và người bạn đích thực, bản thân bạn cũng cần nỗ lực rất nhiều.
Cởi mở và sẵn sàng đón nhận
Thay vì quá lo lắng, lo ngại, tại sao bạn không nở nụ cười và cởi mở lòng mình để đón nhận những người bạn mới? Tất cả những ai ngồi cùng bàn, cùng lớp tín chỉ, ở cùng dãy nhà trọ… đều có thể trở thành bạn bè. Việc mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện nhỏ (dù chỉ là trao đổi thông tin họ tên, quê quán, sở thích, số điện thoại, Facebook…) vào đầu giờ học, giờ nghỉ giải lao… đều có thể mang tới những người bạn mới, những câu chuyện dài hơi hơn cho bạn sau này. Tuy nhiên, khi mới gặp và biết ai đó, cần tránh có những lời nói, hành động phân biệt đối xử nguồn gốc, giọng nói…
Chắc chắn, bạn sẽ thấy rất vui và ấm áp khi mở rộng lòng mình để đón nhận những tình cảm tốt đẹp từ bạn bè.
Nỗ lực hòa nhập, tránh để hòa tan
Bước vào môi trường mới, bạn sẽ có vô vàn điều bỡ ngỡ. Nhưng thay vì sợ hãi, tự ti hay khép mình, bạn hãy cố gắng hòa nhập với những điều mới mẻ. Bạn có thể tìm hiểu và khám phá mọi thứ thông qua việc chia sẻ với các anh chị khóa trên hoặc những thông tin trên các kênh chính thống của trường, khoa, lớp…
Cách hòa nhập tốt nhất là bạn không nên chối từ tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội dành riêng cho tân sinh viên, thậm chí là buổi giao lưu nhỏ tại lớp, khu nhà trọ… Bởi trong mỗi hoạt động, khi mạnh dạn thể hiện bản thân và chịu khó quan sát, kết nối, bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết thú vị, cũng như “ghi điểm” với bạn bè xung quanh. Tuy nhiên, bạn chớ nên “làm lố” hay cố ép mình theo người khác bởi không ai có thể sống mãi trong “vỏ bọc” ấy để làm hài lòng ai đó.
Cùng chung chí hướng, không ngại giúp đỡ
Chắc chắn, ai cũng muốn có một người bạn tốt, cùng quan điểm sống hay chí hướng. Nếu bạn thích tham gia các hoạt động tình nguyện thì các thành viên trong đội tình nguyện có thể trở thành bạn của bạn. Với những bạn thích thể thao, những người ở sân bóng/đội bóng của lớp, trường rất phù hợp để làm bạn…
Cùng với đó, khi mong muốn điều gì ở người khác thì bạn cũng cần thể hiện và đối xử như vậy với bạn mình. Những hành động quan tâm, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, học tập, những lời hỏi thăm… là cách thức kết nối tốt nhất. Ở môi trường đại học, không ai lại nỡ “cách xa” một người bạn thân thiện, hòa đồng, sống tốt với mọi người đâu.
NHẬN DIỆN VÀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN BẠN BÈ
Mâu thuẫn trong tình bạn tuy là điều không ai mong muốn nhưng lại có thể đến với bất kì đôi bạn, nhóm bạn nào. Bởi mỗi người sẽ có những suy nghĩ và ý kiến riêng.
Khi bạn “không ưng cái bụng”, “tức anh ách ai đó” hay đối phương đang vui vẻ chuyện trò, bỗng một ngày “ngó lơ” từ cuộc nói chuyện trực tiếp đến tương tác trên mạng xã hội… thì có nghĩa các bạn đang có “mâu thuẫn”. Có mâu thuẫn bắt nguồn từ những xung đột, xung khắc “nảy lửa” nhưng cũng có mâu thuẫn khởi điểm bởi những thứ nhỏ nhặt do hai bên không kiềm chế được cảm xúc, lời nói, hành động, khiến mối quan hệ đi vào bế tắc.
Vậy mỗi người cần làm gì khi mâu thuẫn xảy ra?
Kiềm chế cảm xúc
Khi mâu thuẫn, chúng ta thường có những cảm xúc tiêu cực, từ bức bối, khó chịu đến tức giận, uất ức. Những cảm xúc đó rất dễ khiến cả hai xảy ra xung đột, cãi vã, làm những việc sát thương người khác hoặc gây ra “chiến tranh lạnh”, khiến “đối phương” (và chính mình) bị tổn thương. Do vậy, thay vì để những tiêu cực ấy xâm lấn, bạn cần hết sức bình tĩnh. Việc hít một hơi thật sâu, đi ra chỗ vắng người, viết những điều khó chịu vào một tờ giấy rồi vo tròn lại ném đi, thậm chí là hét lên thật to… sẽ giúp bạn kiềm chế cảm xúc, làm tiêu tan năng lượng tiêu cực.
Gỡ bỏ “cái tôi” to đùng
Mỗi người cần biết gác lại bớt “cái tôi” vì “cái chung”. Thay vì giữ khư khư quan điểm của mình trong mọi cuộc tranh luận hay thảo luận, bạn hãy dành thời gian lắng nghe ý kiến của người khác; thậm chí là khi phản biện cũng cần dùng từ ngữ phù hợp để tránh làm tổn thương đối phương. Ai cũng có những điểm yếu, cũng có thể mắc lỗi; tuy nhiên khi biết bỏ qua, bạn sẽ có một tình bạn đẹp và bền lâu.
Suy nghĩ chín chắn
Bạn đã lớn, do đó cần suy nghĩ chín chắn khi đưa ra quyết định. Bạn cần cân nhắc việc tiếp tục hay cắt đứt một mối quan hệ. Liệu mâu thuẫn ấy có đáng để mất đi một người bạn?... Mỗi người nên nhìn vào những mặt tích cực của nhau, thông cảm cho những khiếm khuyết của đối phương để “tiêu trừ” những điều tiêu cực, xung đột trong tình bạn.
Hạn chế đưa câu chuyện đi xa
Nếu bạn không hài lòng với ai đó mà “công bố cho thiên hạ biết cho đỡ tức” thì bạn… đáng bị người ta tức lại.
Mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi. Chính vì vậy, mọi “tút” tâm sự, bình luận đều có thể gây tổn thương cho người khác hoặc khiến vấn đề đi xa hơn. Do đó, bạn cần cân nhắc thật kĩ việc đăng tải, giải tỏa bức xúc trên mạng xã hội.
Thẳng thắn nói chuyện
Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn là hai người dành thời gian nói chuyện bình tĩnh và văn minh. Mỗi người hãy thẳng thắn nói lên quan điểm của mình và lắng nghe đối phương. Khi hai người vẫn còn tôn trọng và muốn duy trì tình bạn thì mâu thuẫn dù to hay nhỏ cũng đều có hướng tháo gỡ.
Vẫn quan tâm, chăm sóc
Khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì tỏ ra lạnh lùng trước mặt đối phương, tại sao bạn không làm điều ngược lại. Đó là vẫn quan tâm, yêu quý bạn mình. Chắc chắn rằng, dù cả hai đang gặp vấn đề thì “đối phương” vẫn sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện để tiếp tục làm bạn với nhau.
Thực tế cho thấy, không phải bất cứ mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm nào cũng tiêu cực. Một khi những vấn đề này được giải quyết theo cách thông minh và hiệu quả thì tình bạn càng đẹp đẽ và bền chặt hơn.
BIẾT VƯỢT QUA NHỮNG RỦ RÊ, MỜI CHÀO
Có không ít bạn sinh viên vì nể bạn mà chậc lưỡi đồng ý trước những lời rủ rê, mời chào dù biết đó là việc không nên. Chẳng hạn như chuyện hút thuốc lá, chơi game, bi-a, thậm chí là nhậu nhẹt, uống bia rượu…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe lẫn việc học. Nặng nề hơn, không ít đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của tân sinh viên (nhất là những bạn lần đầu sống xa gia đình) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức tinh vi như: tham gia tín dụng đen hay mua hàng của công ty để trở thành hội viên, lấy tiền của người vào sau trả hoa hồng cho người vào trước… để rồi đứng vào đội ngũ đa cấp…
Vậy điều bạn cần làm là gì? Đó là phải thật bản lĩnh trước những lời rủ rê, chào mời mà bạn thấy đắn đo, phân vân. Đừng bao giờ “thử một lần cho biết” để rồi bị cuốn sâu vào những thói hư, tật xấu lúc nào không hay! Thà “mất lòng trước, được lòng sau”, còn hơn là “tiền mất, tật mang”, trở thành con nợ của ai đó hay tạo cho mình lối sống bê tha, sa sút học tập, mất hết tình cảm bạn bè, người thân, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân…
Các bạn sinh viên cần có ý thức cảnh giác với lòng tham của chính mình, đồng thời phải có sự phản biện, tìm hiểu thật kỹ thông tin khi tiếp nhận lời mời tham gia các chương trình giới thiệu, bán hàng... Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo thì hãy mạnh dạn lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng để chặn đứng các hành vi sai trái.
Chúc bạn sẽ có những người bạn tốt và đáng nhớ trong quãng thời gian học đại học!
Last updated